Post này mình sẽ kể lại kinh nghiệm mình đã sống sót ở Trung Quốc ra sao khi không nói được 1 từ tiếng Trung Quốc nào. Lí do mình đến Trung ...

Post này mình sẽ kể lại kinh nghiệm mình đã sống sót ở Trung Quốc ra sao khi không nói được 1 từ tiếng Trung Quốc nào. Lí do mình đến Trung Quốc cũng hết sức tình cờ, một cô bạn người Pháp mình quen và rất thân nhau sắp hoàn thành khóa học tiếng Trung và về nước. Nghĩ rằng khó có thể gặp nhau ở châu Âu nên bọn mình hẹn nhau ở tỉnh Vũ Hán, Trung Quốc. Dự định ban đầu là cùng nhau tham gia một khóa du thuyền của tờ Nhật báo Daily China dành cho người nước ngoài giao lưu với người Trung Quốc nhằm nâng cao vốn tiếng Anh của người dân bản địa, nhưng sát ngày khởi hành thời tiết chuyển xấu, mưa to và lũ lụt khắp nơi nên chuyến đi bị hủy, mình ở lại Vũ Hán cả tuần liền. Từ Hà Nội, mình mua vé tàu hỏa đi đến thành phố Nam Ninh qua cửa khẩu Lạng Sơn, từ Nam Ninh mua vé đi thêm 10 tiếng nữa mới tới Vũ Hán. Các bạn lưu ý làm visa ở ĐSQ Trung Quốc nằm ở đường Hoàng Diệu tầm 10-15 ngày trước khi đi, phí làm visa khoảng 65-70$.

1. Quan trọng nhất phải nhớ là : TRUNG QUỐC KHÔNG NÓI TIẾNG ANH. Dù là những từ cơ bản như toilet, train, bus, water, how much ... cũng hoàn toàn không hiểu. Nói là láng giềng nhưng nhắc tới Hà Nội, Việt Nam đa phần đều lắc đầu chịu chết, có bạn gái gặp ở Quảng Châu còn hỏi Hà Nội (ke nei-khứa nẩy) là ở nước nào. Kinh nghiệm của mình là nhờ bạn viết sẵn các từ tiếng Trung cơ bản ra 1 quyển sổ rồi cần hỏi gì thì chìa ra cho họ đọc, phần còn lại, ngta sẽ hướng dẫn rất nhiệt tình và nhanh bằng tiếng Trung Quốc, đoạn này hên-xui xem mình có hiểu không, mà thường xui nhiều hơn hên.

Còn nhiều câu nữa về thời gian, giá tiền, địa điểm, bạn nào quan tâm thì mình gửi cho xem, nhiều lắm mình ngại chụp. Nhưng cơ bản mình thấy từ toilet-cè suõ là dùng nhiều nhất.
* Đoạn này update một chút là bạn mình đi Cửu Trại Câu, Thượng Hải và Bắc Kinh có nói rằng người Trung Quốc ở đây có nói tiếng Anh, tuy không tốt lắm, nhưng đủ hiểu. Vì vậy các bạn không nên quá lo lắng!

2. Vé tàu và vé xe bus được bán ở ticket office, rải rác nhiều nơi trong thành phố như siêu thị, trường học, khu trung tâm, ... Nếu mua ở center bus station hoặc center train station thì sẽ đông khủng khiếp (so dân số TQ với VN thì bít), chen lấn quát tháo, trộm cắp, nhất là không biết tiếng sẽ càng khó khăn.
Vì vậy, mình đã nhờ bạn check lịch trên mạng, ghi lại chuyến-ngày giờ-địa điểm-số lượng, sau đó ra các điểm ticket office để mua vé, nhân viên có thời gian để hiểu mình cần mua gì. Và nên check lịch trước ít nhất 4 ngày đến 1 tuần, 2 lần mình mua sát ngày đều vào tàu đứng. Bạn nào xui quá mua phải vé đứng thì cố đọc tiếp, mình có trình bày kinh nghiệm ở đoạn dưới. Cố lên!!!

3. Trung Quốc luôn đòi ID như chứng mình thư, passport khi mua sim điện thoại, vé tàu, vé tham quan. 

Luôn luôn mang theo hoặc tiện hơn là chụp lại hoặc gửi ảnh chụp bản photo vào mail để có thể access bất cứ lúc nào.Có mặt trước 30p so với thời gian khởi hành, vì các thủ tục rất mất thời gian và xếp hàng lâu, dù là di chuyển nội địa.
Màu xanh là tàu đang đến, nếu là tàu của mình thì cần ra xếp hàng ngay, kèm theo là giờ tàu chạy 7:22 và số 8 là đường ray tàu đang dừng. Nói thêm 1 chút, chữ T đầu tiên là kí hiệu của tàu cũ, loại tàu chợ, đi chậm. K là kí hiệu của tàu nhanh, hiện đại, máy lạnh, ghế ngả. Giá vé có thể chênh nhau từ gấp rưỡi đến gấp đôi.


4. Về giá cả : Đồ ăn phổ biến nhất là đồ nướng, cơm rang và mì, nhìn chung là rẻ, mặn và dầu mỡ. Không kể đến các thành phố đắt đỏ như Bắc Kinh, Thượng Hải,... thì budget cho 1 bữa ~10-15 tệ là hợp lý. Có thể nhiều hơn chút khi vào restaurant cỡ trung bình. Cafe và chè cháo giải khát thì 8-10 tệ. Nước 1,5l thì 2,8 tệ, mua nước lạnh dọc đường thì 2 tệ loại 500ml (hoặc 596ml như ảnh minh hoạ) trong siêu thị còn có 1 loại purified tape water giá 0.7 tệ cho chai 500ml. 

Giá vé xe bus/metro từ 2-6 tệ tùy từng chặng. Bus trong thành phố thì nhiều ti tỉ, cần có map để ngâm cứu, mỗi tuyến có giờ làm việc khác nhau, có tuyến trên bảng báo 9h30 nghỉ nhưng 10h vẫn bắt được, khá ảo :)) Giá tham quan, vào cửa các khu vui chơi, các điểm du lịch khá đắt đỏ, cần nghiên cứu kĩ trước khi đi, vì giá vé dành cho người nước ngoài có thể khác với giá vé dành cho người dân, ví dụ như đi công viên nước có thể chênh tới 10 lần.



Mì trộn với thịt băm và sốt lạc



Một bữa ăn ở quán cơm gần nhà. Có món Gà rang hạt điều và rau củ, củ sen xào, thịt rang chua ngọt và mì xào.

5. Last but not least, nhà vệ sinh của các bạn Tàu 99% là xí xổm, kể cả là nhà vệ sinh của siêu thị, bến tàu, bến xe, metro, hoặc là ở sảnh tầng 1 của khách sạn cỡ 3 sao. Và hoàn toàn không có giấy vệ sinh. Mỗi lần ra ngoài mình đều phải xé giấy mang theo, ban đầu buồn cười lắm, nhưng sau khi thấy các cháu bé đi học, 1 bên cặp là chai nước, bên còn lại là nguyên 1 cuộn giấy vệ sinh, rồi con bạn cũng lôi cả cuộn ra xé lúc mình hỏi xin giấy, thì thấy chuyện này là cần phải thật nghiêm túc =.="

6. Nào cuối cùng cũng đến kinh nghiệm đi tàu đứng của mình :

Lần 1 dò trúng tàu đứng, mình đã hoãn lại 1 ngày để mua đc vé ngồi từ Nam Ninh đến Vũ Hán. 19 tiếng với chỗ ngồi chật, người nói chuyện oang oang không dứt, đèn không tắt, ngày mệt, đêm không ngủ nổi, vì vậy ghế ngồi chỉ hợp với di chuyển dưới 10 tiếng, tùy tình trạng sức khỏe, cộng trừ 1-2 tiếng tùy các bạn.

Lần 2 vì muốn về gấp, và chuyến đi chỉ 10 tiếng nên mình liều chọn tàu đứng. Nôm na là cứ đứng tới khi nào ngta xuống, có ghế thì tranh nhau ngồi. Vé đứng khá phổ biến, theo quan sát cá nhân mình thấy mọi người chấp nhận chuyện đứng cũng rất bình thường, không cáu kỉnh, không xô đẩy, tranh cướp chỗ, ngồi cả trong phòng vệ sinh, trên bồn rửa mặt.


Cụ thể nhất là ở ngoài cửa ga ngta bán luôn cả ghế nhựa nhỏ để ai thích ngồi thì mua 15-20 tệ/cái ngồi cho tiện. Mình mua loại nhựa nhỏ, gấp được, ngồi chắc chắn, 14 tệ/cái. Ban đầu thì ngồi ghế, về sau đít mỏi, mình xin tờ báo của anh bên cạnh lót dưới đất rồi ngồi, den dén vì sợ bẩn, lát sau thì tháo dép, xếp bằng ngồi cho thoải mái.


Mọi người chắc cũng thông cảm, thấy ngồi xì xụp mì gói, tiếng thì không biết, ngồi gà gật như ăn mày ăn xin nên ra bắt chuyện, hỏi Mày mua vé kiểu gì? mình lấy quyển sổ ra chỉ trỏ, bác này gật gù rồi giải thích mấy người xung quanh : Yu Nan (Việt Nam) Còn có 1 bác béo ra hỏi thăm, chỉ vào bát mì nói liên tục, lát sau mới hiểu là bác muốn mời ăn mì, mời cả xúc xích nữa. Đúng như bạn mình nhận xét, người TQ ban đầu rất khó gần, vì đất nước đông dân quá, không dữ dằn thì sẽ bị chèn ép không sống nổi, nhưng nếu đã quen biết rồi, thì lại rất ân cần ấm áp. Thành ra cũng không nói là khổ :p

Chuyến đi thăm bạn có thể nói là thành công rực rỡ :x 


À nói thêm,
- Ở Trung Quốc có dùng khá nhiều ổ cắm 3 chân nên các bạn mang ổ cắm chạc 3 đi dùng được thoải mái nhé. Wifi thì hiếm như sao trời, đi mỏi chân mới gặp, muốn vào fb thì xài web freer trên máy tính ngoài ra thì chịu chết.
- Đồ ăn trên tàu có các loại snack và cơm như ở VN, nhưng tất nhiên là đắt, 1 khay cơm 38 tệ, 1 chai nước 5 tệ nên mình mua mì hộp 3,6 tệ to đùng và 1 hộp cháo ăn liền 2,8 tệ. Nước sôi trên tàu có sẵn không mất tiền, cháo sữa dừa ngô non ăn như chè, đủ no mà lại k tốn.


Nếu muốn an toàn có thể mua 2 loại này, vừa rẻ vừa ngon lại k cay.

Mình đi bán bí đây , bái bai