Hôm nay đi trên đường bạn hỏi tôi về những ngày cũ. Con phố Nguyễn Gia Thiều vẫn vắng và thơm. Y như lúc ông tôi dắt tay tôi và xua con ch...



Hôm nay đi trên đường bạn hỏi tôi về những ngày cũ.

Con phố Nguyễn Gia Thiều vẫn vắng và thơm. Y như lúc ông tôi dắt tay tôi và xua con chó Ti lên chiếc xe xích lô đã chất sẵn nồi niêu xoong chảo và dụng cụ làm bếp của bà và mẹ, dặn tôi vẫy chào căn nhà thân yêu lần cuối trước khi dọn đến nơi ở mới. Trong đống lỉnh kỉnh buồn bã kia, tôi nhớ như in, có chiếc ca Liên Xô ông vẫn dùng để pha sữa cho tôi uống. Đúng nửa lít. Khi không uống sữa, tôi dùng để uống thuốc hay thả xuống bể nước rồi áp lên má mỗi khi đi chơi về nóng mệt. Sau vài lần chuyển nhà, cái ca không thấy đâu, nhưng chưa lần nào tôi nhớ về nó như ngày chuyển nhà năm ấy.Năm ấy là năm 1993, tôi được 3 tuổi, giỏi múa hát, thích vẽ tranh, ăn vạ và bắt nạt bạn. Năng khiếu xếp ngược lại thứ tự vừa nêu. Nhưng ấy là khi tôi đã được đi học mẫu giáo, còn trước đó, tôi ở trong vương quốc của riêng tôi, và ông ngoại, trong căn nhà số 22 phố Nguyễn Gia Thiều.

Những ngày tháng xa xôi giờ tôi không nhớ nổi. Mà mỗi khi cố nhớ lại, ký ức tựa hồ như những cảnh phim rời rạc chắp nối không liền mạch khiến đôi khi chính tôi cũng băn khoăn liệu đó có thật là ký ức hay là những vay mượn về tuổi thơ của ai đó mà tôi được nghe kể, hoặc xem qua phim ảnh, hoặc chính tôi tưởng tượng ra cũng nên. Có những khi là tôi, đang nằm trên bụng ông ngoại – người đang phe phẩy quạt và kể câu chuyện về chàng hoàng tử và 3 con ngựa, nhoài người ra khung cửa sổ kiểu Pháp chạy dọc tường, phóng mắt nhìn ra chỗ bọn trẻ con đang bắt ve ở vỉa hè đối diện. (Tiếng ve kêu miên man đến đứt cuống họng mỗi khi hè tàn luôn làm tôi vừa háo hức vừa bực bội ) Có những khi là tiếng quạt trần chậm rãi vụt trở nên ồn ã trong căn phòng 40 mét vuông, vệt nắng từ cửa sổ đổ dài nhìn rõ cả vết nứt ẩm màu đen xấu xí trên sàn gỗ đã cũ. Vùng nắng ấy mang theo những hạt bụi từ phố, hay là bụi phấn hoa từ giàn hoa nhà hàng xóm, chầm chậm xoắn xúyt trong không gian là nguồn sáng duy nhất của căn phòng. Chỉ việc nhìn chằm chằm vào những vật đẹp đẽ như thế cũng đã khiến người ta muốn trở nên đẹp đẽ, khiến người ta cảm thấy đẹp đẽ rồi. Một đứa bé con chỉ cần có thể thôi. Để xua tan cái tâm trạng thê lương của giấc ngủ trưa ép buộc. Để hóa thân thành công chúa. Để vẽ nên những câu chuyện cổ tích của riêng mình.

Ngôi nhà tôi ở gồm ba hộ, tôi chỉ nhớ có hai. (Hộ thứ ba tôi không nhớ, hoặc giả như đó là gia đình bên cạnh sang dùng chung bể nước tôi không rõ, nên tạm bỏ qua.) Một là nhà tôi,trên tầng 2, nhà thứ nữa là nhà ông tướng già tên Văn Bô ở dưới tầng 1. Ông tướng già hơi lẫn, có giọng nói sang sảng át cả tiếng quạt trần đều đặn trên tầng 2, chính là người khiến cho, mãi về sau này khi tôi hơn 6 tuổi, mỗi bận trẻ con đi nặng, nhà tôi đều nói tránh là đi vào cái Xô. Kể cũng hơi buồn cười, cảnh một vị tướng già, khi không còn chinh chiến trên chiến trường, lại hàng ngày chiến đấu yếu ớt với tuổi già và bệnh tật. Ông Bô có một cái ghế mây và một cái gậy. Sáng mùa hè mát,bà Bô dìu ông ra ngoài sân, ngồi ngay dưới tán 2 cây dừa lửa để ông tắm nắng. Không lần nào ông quên rủ ông ngoại tôi xuống nói chuyện ngày xưa, khi các ông còn trẻ và khi đã già, khi nhớ và khi quên. Câu chuyện lê thê không đầu không cuối cứ thế kéo dài đến bữa tắm trưa của ông ngoại. Thường, bà Bô là người có nhã ý cắt đứt câu chuyện một cách dứt khoát nhưng lịch thiệp của riêng bà. Nhưng đến giờ tôi vẫn nghĩ phần nhiều là do bà ngại ngần màn tắm trần táo bạo của ông tôi. Đang đu người vào cửa, cố dùng những ngón tay bé gắp thư từ hòm thiếc có sơn chữ Thư Báo đỏ chót, tôi nhíu mày nhìn ông bà Bô dìu nhau vào nhà, để lại một mình ông ngoại tôi và cái gậy ông Bô để quên. Bắt gặp ánh mắt tôi nhìn, ông cười xòa, tay vẫy vẫy ý gọi tôi về, nói dăm câu vu vơ rồi bất chợt nhìn lên chiếu nghỉ tầng 2, nơi nhà tôi đặt bếp. Bếp bà ngoại vẫn hay nấu ăn khi bà còn sống. Còn lúc bấy giờ, muốn có cơm trưa phải đợi bác gái tôi về.

Hanoi, 21/6/2012.